Văn hóa Trà đạo Nhật Bản

Xứ sở mặt trời mọc luôn nổi tiếng bởi những nét văn hóa truyền thống lâu đời, trong đó “Chadō” (hoặc Shadō) – Trà Đạo được coi là một trong những nét nghệ thuật truyền thống có giá trị và ảnh hưởng nhất đến các yếu tố văn hóa khác của Nhật Bản. Và Omotenashi – Phục vụ người khác bằng cả trái tim cùng sự chân thành nhất cũng xuất phát từ triết lý Trà đạo này.

Trong tiệc trà, phần quan trọng nhất chính là cách chủ nhà tiếp đón, quan tâm nhiệt thành và tinh tế chuẩn bị một tách trà từ tận đáy lòng. Trong một số trường hợp, một trà thất phải mất cả năm trời để chọn đúng loại hoa, bộ pha trà, tranh treo tường, bánh kẹo ăn kèm theo mùa và phù hợp nhất với khẩu vị, sở thích của khách nhằm đảm bảo trải nghiệm “Ichigo Ichie” hoàn hảo.

Những suy nghĩ, trăn trở vô hình xuất phát từ sự chân thành và khao khát được phục vụ bằng cả trái tim của chủ nhà dành cho khách là biểu hiện rõ nhất của tinh thần chăm sóc khách hàng Omotenashi.

Trong Trà Đạo, tinh thần “Wabi-Sabi” rất quan trọng. “Wabi-Sabi” là vẻ đẹp của những thứ bất toàn, vô thường và chưa trọn vẹn, là vẻ đẹp của những thứ khiêm tốn và nhún nhường; với tinh thần này, người tham gia Trà Đạo sẽ tĩnh tâm, thả hồn vào việc pha trà trong không gian Trà Thất thanh tịnh, thông qua đó giúp tâm hồn thanh thản và tự làm chủ bản thân. Hơn nữa, nghệ thuật Trà Đạo còn có triết lý “Ichigo Ichie” với hàm ý “chỉ gặp một lần trong đời”. Điều này có nghĩa là, những người gặp nhau trong buổi tiệc trà, có thể một đời chỉ gặp nhau một lần duy nhất, do đó, chủ và khách hãy cùng bày tỏ thành ý với nhau.

Cầu kỳ mà độc đáo, tinh tế, từ lâu nghệ thuật trà đạo đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của người Nhật. Con người hòa mình vào không gian của trà khiến cho tâm hồn trở nên thư thái, nhẹ nhõm, khác hẳn với cuộc sống xung quanh vốn ồn ào, tấp nập, đầy bon chen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *