HÀNH ĐỘNG BẰNG CẢ TÂM-KỸ-THỂ

Thực hành lòng hiếu khách Omotenashi

Tâm kỹ thể là gì?

Ở Nhật Bản, thuật ngữ “tâm kỹ thể” thường được sử dụng khi dạy võ thuật như nhu đạo và kiếm đạo. Chúng ta có thể bắt gặp những từ này không chỉ trong võ thuật mà còn trong các môn thể thao như bóng chày và bóng đá. “Tâm kỹ thể” đại diện cho ba yếu tố quan trọng về phong độ của người chơi. Lần lượt, “tâm” là sức mạnh tinh thần và tâm lý, “kỹ” là kỹ thuật và trình độ chuyên môn của người chơi,  “thể” là sức mạnh thể chất như sức mạnh cơ bắp và sức bền. Ba yếu tố này không thể tách rời và luôn hỗ trợ lẫn nhau để có phong độ chơi tốt nhất. Do đó, điều quan trọng đối với các vận động viên là rèn luyện cả ba yếu tố trên một cách cân bằng, thay vì rèn luyện bất kỳ một yếu tố riêng lẻ nào.

Omotenashi và Tâm kỹ thể

“Tâm kỹ thể” là một từ rất quan trọng không chỉ đối với võ thuật và thể thao, mà còn đối với lòng hiếu khách – Omotenashi. Cũng như phong độ thi đấu của các vận động viên, sự hiếu khách mang lại niềm hứng thú cho khách hàng qua sự cân bằng về “tâm kỹ thể”. Chữ “tâm” trong lòng hiếu khách Omotenashi là cảm giác luôn nghĩ cho người khác. Bạn thay đổi hành động vì vị khách hiện diện trước mặt, với tấm lòng thuần khiết đem niềm vui đến cho đối phương mà không mong cầu sự đền đáp nào cho riêng mình.

Thứ hai, “kỹ”  trong lòng hiếu khách Omotenashi là kỹ năng, nghiệp vụ như một chuyên gia trong lãnh vực bạn đang hành nghề. Một khi bạn thực hành Omotenashi với vai trò là một nhà doanh nghiệp, thì đối tượng hướng tới sẽ không còn là gia đình, bạn bè mà luôn là một vị khách. Khách hàng nhận được dịch vụ và sản phẩm của chúng ta bằng cách trả tiền cho dịch vụ đó. Dù chúng ta có nhiệt tình đến đâu, nếu chất lượng dịch vụ hay chất lượng sản phẩm thấp, khách hàng sẽ không hài lòng. Trong bất kỳ ngành nghề nào, có được nhận thức của người làm nghề chuyên nghiệp và ý muốn cải thiện tay nghề mỗi ngày là điều vô cùng quan trọng.

Cuối cùng, “thể” của lòng hiếu khách là sức khỏe của chúng ta. Nếu chúng ta không khỏe mạnh về thể chất và tinh thần, chúng ta không thể có lòng hiếu khách thực sự. Nếu bạn mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần do thói quen hàng ngày và thời gian làm việc dài, bạn sẽ không thể thư giãn đầu óc. Hệ quả là, bạn đã ưu tiên cho lợi ích của mình và cách đối ứng với khách hàng dần trở thành thói quen, thành quán tính, mà thiếu đi sức sống thực sự.

Tóm lại, để tạo hứng thú với lòng hiếu khách chân thật, không thể thiếu đi bộ ba “tâm thể kỹ”. Rèn luyện cả ba yếu tố này và biến chúng thành hành động thực tế là bước đầu tiên trong lòng hiếu khách Omotenashi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *